Viêm da mủ mùa hè ở trẻ nhỏ - cách phòng tránh

Mùa hè, da trẻ nhỏ luôn ướt mồ hôi. Nếu bị xây xước, da cũng dễ bị nhiễm tụ cầu liên cầu dẫn đến rôm sẩy, đinh nhọt, chốc lở hay hiện tượng viêm da mủ ở trẻ em Ở trẻ nhỏ, sức đề kháng của cơ thể và của da còn yếu.Viêm da mủ một phần còn do những sai sót của bà mẹ trong chăm sóc vệ sinh cho trẻ em như tắm gội, quấn tã lót, nuôi dưỡng trẻ hằng ngày.


Trẻ nhỏ từ sau lọt lòng tới 12 tháng ở vùng thóp thường có lớp vảy mầu nâu sẫm, có khi dày bết cả tóc, dân gian gọi là "cứt trâu", do tuyến bã nhờn tiết ra khô đọng lại. Đây là lớp mỡ sinh lý có tác dụng bảo vệ vùng thóp xương sọ còn hở. Lớn lên 1 - 2 tuổi lớp vẩy này dần dần bong hết khi hộp sọ vùng thóp đã kín hẳn. Một số bà mẹ thường cào vò mạnh, thậm chí dùng lược bí chải, làm da đầu xây xước, rớm máu, nhiễm khuẩn, thành viêm chân tóc, chốc lở, từ đó có thể lây lan khắp cơ thể.

Về mùa hè, gội đầu cho con quá nhiều, lạm dụng xà phòng, cào vò quá mạnh, làm mất lớp mỡ bảo vệ da đầu, kèm theo xây xước da, cũng dễ thành chốc lở.

Trẻ bị bí hơi, tăng tiết mồ hôi, thành rôm sẩy ở vùng cổ, lưng, ngực... rồi biến chứng thành đinh nhọt.Tắm cho trẻ quá lâu, kỳ cọ quá mạnh, lạm dụng xà phòng, sẽ làm xây xước da, suy giảm lớp mỡ bảo vệ, làm vỡ các mụn rôm, từ đó thành nhiễm khuẩn, dẫn tới đinh nhọt, phỏng rạ.

Không nên nặn sớm đinh nhọt khi còn cứng, nhất là ở vùng quanh miệng, thành đinh râu nguy hiểm. Ở nhà trẻ, mẫu giáo, chốc lở, phỏng rạ, chốc mép có thể lây lan giữa các cháu dùng chung khăn mặt, chậu tắm, chén bát...

Hiện tượng “hăm đỏ” gây viêm vùng bẹn, mông, sinh dục. Viêm có thể dẫn tới sưng tấy, mưng mủ, nổi hạch, phát sốt. Nặng có thể thành viêm da đỏ toàn thân, điều trị khó khăn, đe dọa sinh mạng.

Ngoài ra, về mùa hè, cho trẻ ăn nhiều quả có hàm lượng đường cao (dân gian gọi là quả nóng, nhiệt) cũng dễ gây rôm sẩy.

Bệnh viêm da mủ ở trẻ em (viêm chân tóc, chốc lở, rôm sẩy, đinh nhọt, hăm...) cần được phát hiện sớm, điều trị sớm. Tùy từng mức độ bệnh, thầy thuốc chuyên khoa sẽ cho dùng các thuốc kháng sinh, chống khuẩn, chống viêm, chống dị ứng... thích hợp.
Dưới đây là một số lời khuyên thực tế cho các bà mẹ

Tắm gội đều đặn, nhẹ nhàng, nhanh chóng cho trẻ nhỏ, chú ý vùng nách, cổ, bẹn, sinh dục. Các vùng khác chỉ vuốt nước qua, không có gì bẩn mà phải kỳ cọ quá lâu - đó là cách bảo vệ lớp mỡ sinh lý của da.

Không nên sốt ruột khi đầu con còn "cứt trâu".

Mặc quần áo, quấn tã lót vừa phải, không quá dày, bí hơi. Hạn chế đeo bỉm quá lâu... dễ gây "hăm".

Không nên cho trẻ ăn nhiều quả "nóng" có hàm lượng đường cao. Tăng cường ăn rau, đậu, quả mát (cam, bưởi, đu đủ) có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin.

Tắm bằng nước lá bàng, chè tươi, sài đất, mướp đắng đun sôi để ấm có tác dụng phòng rôm sẩy. Hạn chế dùng xà phòng có độ kiềm cao, dễ gây kích thích, dị ứng.

Viêm da mủ có thể gây nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân, viêm cầu thận cấp nguy hiểm, không thể xem thường. Bà mẹ không nên tự động cho con dùng kháng sinh, bôi thuốc, dán cao, đắp lá... dễ gây tai biến.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Một vài bài thuốc hay cho mùa mưa các mẹ cần biết?

10 cách đơn giản giúp bạn không còn mệt mỏi