Cách để cơ thể luôn tràn đầy năng lượng mỗi ngày?

Cơn mệt mỏi thường sẽ tự qua đi nhưng nếu nó xuất hiện thường xuyên, các cơ quan trong cơ thể sẽ giảm hoạt động khiến bạn mất ngủ, chán ăn, giảm ham muốn và dễ mắc bệnh... Bạn hãy xem lại lối sống để điều chỉnh ngay những điều bất hợp lý.

Nếu ngoài mệt mỏi, cơ thể còn có những dấu hiệu bệnh lý như sốt, đổ mồ hôi đêm, nhức đầu, chóng mặt, thở khó, gầy ốm, sụt cân, rối loạn tiêu hóa, đau tức ngực, suy nhược cơ thể... đó là các triệu chứng bệnh lý; phải đi khám bác sĩ để định bệnh và điều trị đúng mức. Khi ấy việc dùng thuốc thích hợp là cần thiết để phục hồi nguồn năng lực cho cơ thể.

Trong trường hợp chỉ mệt mỏi đơn thuần, những bí quyết sau sẽ có ích cho bạn:


1. Buổi tối ăn nhẹ

Bữa ăn thịnh soạn vào buổi tối sẽ làm giảm chất lượng của giấc ngủ, một giấc ngủ sâu đủ thời gian và có chất lượng vào ban đêm sẽ giúp làm giảm đi sự mệt mỏi.

2. Chế độ dinh dưỡng cân bằng, phong phú

Thực phẩm cung cấp mỗi ngày cần đáp ứng các nhu cầu về protein, vitamin, muối khoáng và chất vi lượng của cơ thể. Nếu chế độ ăn uống không đa dạng và phong phú thì sự thiếu hụt sẽ xảy ra, dẫn đến mệt mỏi kéo dài.

3. Tạo giấc ngủ tốt

Không ngủ nhiều quá hay ít quá và phải ngủ đều đặn mỗi ngày. Nhu cầu ngủ mỗi ngày của từng người tùy thuộc theo độ tuổi, có người cần 6 tiếng, có người lại cần 8-10 tiếng.

4. Tôn trọng giờ ngủ cũng như nhịp sinh học của giấc ngủ

Tập thói quen ngủ vào một giờ cố định để tạo phản xạ buồn ngủ khi đến giờ. Việc ngủ bất thường sẽ làm thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể và mệt mỏi là điều khó tránh khỏi. Vào buổi tối khi cơ thể mệt mỏi và bạn bắt đầu ngáp, hãy nhanh chóng lên giường. Không nên kháng cự lại cơn buồn ngủ hoặc chống lại nhu cầu nghỉ ngơi của cơ thể. Nếu cố gắng thức để vượt qua lúc buồn ngủ, bạn sẽ phải đợi khoảng 2 giờ nữa mới tìm lại được cảm giác thèm ngủ. Và khi thức dậy thì thật khó nhọc.

5. Hãy quên mọi chuyện để tìm giấc ngủ

Không cần nghĩ đến công việc, chuyện con cái hay mang những lo toan vào trong giường ngủ. Cần một khoảng không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi vì giờ nào việc ấy.

6. Chia sẻ công việc

Tình trạng quá tải công việc bao giờ cũng mang lại mệt mỏi. Vì thế cần biết phân phối công viêc, chia sẻ cho các bạn đồng nghiệp cùng cộng tác giải quyết. Từ đó sẽ tranh thủ được sự nghỉ ngơi và giảm căng thẳng.

7. Tổ chức lại cuộc sống

Ngày cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi thì nhiều người lại lao vào làm bếp, tiệc tùng với bạn bè, soạn tài liệu, tham dự sinh hoạt văn nghệ... tạo thành một cuộc đua marathon cho việc giải trí trong ngày cuối tuần. Rồi sáng thứ hai đầu tuần, họ mệt mỏi chẳng còn muốn làm gì cả. Cần phân phối lại việc giải trí cuối tuần để đừng diễn ra quá dồn dập, có kế hoạch vui chơi để vẫn còn thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi, hoàn toàn thư giãn hưởng thụ ngày nghỉ cuối tuần.

8. Tập thể dục và tham gia môn thể thao ưa chuộng

Sự mệt mỏi thường liên quan mật thiết với cuộc sống quá nhàn hạ và tù hãm trong gia đình hay văn phòng. Việc đi bách bộ để thư giãn hoặc tham gia một môn thể thao ưa thích là điều cần thiết.

9. Biết nói không với các đòi hỏi của con

Khi công việc chiếm quá nhiều thì giờ, chỉ có vài thoáng giây nghỉ ngơi thư giãn, đó là lúc các thiên thần nhỏ trong gia đình biết cách đòi hỏi đáp ứng những nhu cầu của bé. Cần giải thích cho bé biết mình đang rất cần nghỉ ngơi để lại sức và khuyên bé tìm một cuốn sách hay một trò chơi khác, trừ khi việc vui đùa với con giúp mang lại thư thái, hân hoan.

10. Thư giãn

Tắm dưới vòi phun hay ngâm mình trong làn nước mát, vài động tác thở bằng bụng, massage đều là những phương pháp chống stress và chống mệt mỏi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

10 cách đơn giản giúp bạn không còn mệt mỏi

Viêm da mủ mùa hè ở trẻ nhỏ - cách phòng tránh